A- A+

HỌC TẬP TRIẾT LÝ “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH,VIỆC VẬN DỤNG TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NGÀY NAY


Ngày 31-5-1946, trước khi lên đường sang nước Pháp cứu vãn hòa bình cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng:Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là cụm từ có nguồn gốc tiếng Hán, là một vế của một câu đối hoàn chỉnh mà vế thứ hai của nó là: “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm” (tức là lấy tình cảm, ý chí của quần chúng làm tình cảm, ý chí của mình). Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng vế đối này, ý tại ngôn ngoại, phù hợp khi nói với một nhà Hán học như cụ Huỳnh Thúc Kháng; câu nói cũng như một bí kíp được truyền lại để xử lý tình huống thay đổi liên tục ở thời điểm lúc bấy giờ.

Triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" có nghĩa là lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến (cái thay đổi); ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ, đánh mất cái bất biến; tuyệt đối không thể đem cái bất biến ấy ra mua bán, đổi chác. Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, phát triển, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến), bởi nếu không sẽ dễ bị lạc vào cái mê cung, rừng rậm của vạn biến, cái vụn vặt mà không biết đường ra. 

Cái “bất biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minhở đây được cho là có ba điều là: độc lập, tự do, hạnh phúc. Một số ý kiến lại cho rằng cái mục tiêu bất biến ở Hồ Chí Minh tập trung ở bốn yếu tố liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ. Trong đó, đặt lên cao nhất là độc lập, bởi lẽ nếu không có độc lập, tức bị vong quốc, mất nước, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than thì làm gì có tự do, lấy đâu ra tự do, hạnh phúc, dân chủ. Chính vì vậy, nước bị mất độc lập thì việc đầu tiên là phải giành cho bằng được độc lập, và trong hoàn cảnh như vậy, độc lập cho đất nước là cái bất biến số một hàng đầu. Theo nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: cái mà tôi cần nhất là Tổ quốc tôi được độc lập. Có độc lập rồi thì mới nói đến tự do, tự do gắn liền với độc lập, nước có được độc lập thì dân mới được tự do. Với lý do đó mà Bác luôn nhắc nhở: trước hết là phải giành cho kỳ được độc lập; tất cả cho độc lập; không có gì quý hơn độc lập, tự do. Mặt khác, độc lập còn gắn liền với dân chủ. Có độc lập rồi thì mới nói đến chuyện dân làm chủ; còn nếu không có độc lập thì cũng không thể có dân chủ. Có độc lập chúng ta phải lập tức xây dựng một nhà nước mà dân làm chủ, có nghĩa là bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Có như vậy mới đem lại được tự do, hạnh phúc cho dân.

Cái “vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, thông qua những hoạt động thực tiễn của Người, cái vạn biến có thể được hiểu là những tình huống cách mạng đã, đang và sắp xảy ra hàng ngày hàng giờ mà chúng ta phải đối phó, phải xử lý để đạt được mục tiêu cách mạng đặt ra.

Vận dụng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta thực chất là nắm vững mục tiêu chiến lược, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp, từng vấn đề và trong không gian, thời gian cụ thể. Theo đó, vận dụng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế hiện nay, cần thấu suốt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là quan điểm cốt lõi chỉ đạo công tác đối ngoại và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế.

Chủ động tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã ra sức duy trì và củng cố quan hệ đoàn kết hữu nghị với các đảng phái chính trị, trước hết là các Đảng Cộng sản và công nhân, các tổ chức tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, từ đó tranh thủ sự hỗ trợ về chính trị có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn xuất phát trên cơ sở bất biến, đó là giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tích cực thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đó của Đảng, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác.

Nêu cao đường lối đối ngoại giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng mà đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với gần 170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đảng ta có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 chính đảng ở các nước trên khắp các châu lục. Các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta có quan hệ với hàng trăm tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam phải kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại coi đó như là một quy luật thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến đổi to lớn và sâu sắc, với nhiều mối quan hệ đan xen, đa dạng, phức tạp; trong đó, các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trước tình hình đó đòi hỏi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới phải có chiến lược, sách lược, hình thức và phương pháp xử lý đúng đắn, sáng tạo. Trước hết và quan trọng nhất là: kiên định ý chí độc lập, tự chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phát huy cao độ nội lực; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cần vận dụng và xử lý một cách linh hoạt, sáng tạo việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ba là, giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế

Nhất quán đường lối đối ngoại nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh” và đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ. Trên cơ sở đó, trong quan hệ với các nước trong khu vực ASEAN, và các nước, tổ chức trên thế giới Việt Nam luôn giải quyết các vấn đề trên các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; không can thiệp các công việc nội bộ của nhau; tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa phương.

Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh ẩn chứa sự uyên thâm, tinh tế của một nhà hiền triết. Quan điểm này không chỉ được vận dụng có hiệu quả trong thời kỳ của Hồ Chí Minh mà nó trở thành phương châm hành động, là phương pháp luận, là cẩm nang cho Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và nhất là trong quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay./.


Phạm Thị Hoa Chi bộ Vụ Nga – Đông Âu – Trung Á Ban Đối ngoại Trung ương

Tin liên quan